Diễn biến tiếp theo Đội_Con_Nai_(OSS)

"Nam Kỳ rực lửa"

Bài chi tiết: Nam Bộ kháng chiến

Theo Tuyên cáo Postdam, Việt Nam bị chia cắt với ranh giới là Vĩ tuyến 17, quân Đồng Minh sẽ vào Việt Nam để giải giáp quân Nhật. Quân Tưởng tiến vào miền Bắc và liên quân Anh-Pháp do Trung tướng người Anh Douglas D. Gracey chỉ huy tiến vào miền Nam. Nhiệm vụ của Anh khá rõ ràng: tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật ở miền Nam và chuẩn bị cho lính Nhật hồi hương. Nhiệm vụ của người Mỹ ở miền Nam mơ hồ hơn: quan tâm và tiến hành hồi hương cho các tù binh chiến tranh của Mỹ, bảo vệ tài sản "không đáng kể" của Mỹ, và giám sát "quyền lợi" của Mỹ trong khuôn khổ Chiến dịch Embankment. Phụ trách nhiệm vụ này là Phân đội OSS 404 (OSS Detachment 404) của Trung tá Albert P. Dewey.[53]

Lính Nhật dán bản Thông cáo số 1 về việc duy trì pháp luật và trật tự ở Đông Dương, tháng 9 năm 1945

Đội quân Anh đầu tiên đến vào ngày 6 tháng 9 làm tăng thêm nhận thức của Việt Minh về tình hình bất ổn trong việc nắm chính quyền của họ. Mặc dù Việt Minh hy vọng thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp với người Anh nhưng họ có lý do chính đáng để luôn thận trọng. Họ sợ rằng vai trò của Anh với tư cách là một cường quốc thực dân sẽ công khai ủng hộ Pháp quay lại nắm quyền. Việt Minh hy vọng người Mỹ có thể hành động như một đối trọng và ngăn chặn sự trở lại có vẻ sắp diễn ra của Pháp. Dewey và các nhân viên OSS lần lượt có mặt tại Sài Gòn vào tuần đầu tiên của tháng 9, nhưng đến giữa tháng 9, họ đã gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng với người Anh và người Pháp khi các kế hoạch được Gracey tiến hành ngày một thiếu tế nhị và khiến sự thù ghét của người dân Việt Nam tăng dần lên. Khác với Gracey, vốn không có thiện cảm với người dân xứ thuộc địa, Dewey có niềm tin mãnh liệt về quốc gia nhỏ bé này do Dewey đã từng làm việc với phe Việt Minh, và ông cực lực phản đối chính sách của chỉ huy Anh là đuổi cán bộ Việt Minh khỏi các văn phòng chính phủ, đồn cảnh sát và doanh trại quân đội mà họ đã chiếm được từ tay người Nhật và Vichy Pháp, và việc các cựu tù binh chiến tranh Pháp tấn công những người Việt Nam trên đường phố. Hầu hết các nhân viên người Mỹ đều cảm thấy khó chịu khi người Anh cho phép người Pháp, người mà họ đã hậu thuẫn, tiếp quản Sài Gòn và giáng trả một cách tàn bạo đối với người Việt Nam. Tại Hà Nội, người Việt tổ chức một cuộc tuần hành hoà bình chống Anh kéo dài bốn tiếng với những bức tranh cổ động và biểu ngữ lên án kịch liệt quan điểm của người Anh tại miền Nam.[54][28]

Những người Việt Nam "bị tình nghi theo Việt Minh" trong sự kiện Nam Bộ Kháng chiến bị kiều dân Pháp có vũ trang áp giải trên xe tải, Sài Gòn, 17 tháng 10 năm 1945

Đêm 21 tháng 9, Jean Cédile, đại diện của Pháp ở Nam Kỳ, thông báo cho Gracey rằng theo các nguồn tin của ông thì "Việt Minh đang chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô lớn vào thành phố." Cédile đề nghị Gracey giải thoát và tái vũ trang cho 1.400 tù binh chiến tranh và kiều dân Pháp, và cho đóng quân bên ngoài Sài Gòn để hỗ trợ cho quân đội Anh. Biết rõ rằng 1.800 binh lính Anh của ông có thể gặp khó khăn nghiêm trọng nếu những tin đồn về cuộc tấn công lớn là sự thực, Gracey đồng ý với kế hoạch của Cédile, và sáng sớm 22 tháng 9 ông ta bắt đầu quá trình thực hiện. Mặc dù được chỉ thị có mặt ở một nơi nào đó và đợi lệnh, nhưng những cựu tù binh chiến tranh "hăm hở chứng tỏ sự dũng cảm và lòng trung thành của mình" sau quá nhiều tháng ngày bị người Nhật giam cầm," "đã đổ về trung tâm Sài Gòn và tấn công bất cứ người Việt vô tội nào vô tình gặp trên đường." Dewey cố gắng kháng nghị cả những hành động của tù binh chiến tranh và sự thiếu hành động của quân Anh, nhưng tướng Gracey đã từ chối gặp Dewey. Tuy vậy, Gracey đã nhận thức được vấn đề trên, nên nhanh chóng ra lệnh tước vũ khí của các cựu tù binh quá khích và đưa họ quay trở lại các trại giam, đồng thời thả tự do cho nhiều người Việt Nam nhằm xoa dịu tình hình trong thành phố, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được cuộc tổng nổi dậy lớn. Dewey liên tục gửi báo cáo về Côn MinhWashington, trỉ trích vị chỉ huy người Anh ngày một dữ dội về việc sử dụng 4.000 lính Nhật để "lập lại trật tự tại Sài Gòn và đàn áp cách mạng Việt Nam."[25][55][56]

Ngày 25 tháng 9, một phái đoàn của OSS do Đại uý Joseph Coolidge dẫn đầu bao gồm gồm Coolidge, Trung uý Varner, một số sĩ quan Đồng Minh - trong đó có người Pháp - và vài phụ nữ người Việt, rời Sài Gòn tới Đà Lạt để "đánh giá điều kiện tài sản đáng kể của Hội Truyền giáo Mỹ" và thu thập những bản đồ của Nhật tại trung tâm vẽ bản đồ. Mặc dù Việt Minh cho phép các nhân viên của Anh và Mỹ đi qua vòng vây quanh thành phố, nhưng Coolidge gặp rắc rối trên đường trở về. Trên đường về, nhóm của Coolidge bị một toán du kích Việt Minh canh rào chắn tấn công vì họ lầm tưởng Coolidge là người Pháp. Trong quá trình đó, nổ súng đã xảy ra và Coolidge bị thương vào cổ. Mặc dù bị thương nặng nhưng Coolidge không bị nguy hiểm đến tính mạng.[57]

Dưới áp lực của người Anh và Pháp, Dewey được lệnh rời khỏi Sài Gòn và quay trở về Kandy. Trong báo cáo cuối cùng của Dewey gửi về Washington, ông nhấn mạnh:

Nam Kỳ đang bốc cháy; người Pháp và Anh sẽ bị kết liễu tại đây, và chúng ta phải chạy khỏi Đông Nam Á.[28][58][59]

Cái chết của Trung tá Dewey

Trung tá Albert Peter Dewey

Sáng ngày 26 tháng 9 năm 1945, Dewey được thông báo chuyến bay tới Kandy của ông đã bị trễ đến buổi chiều. Thấy còn nhiều thời gian, Dewey và một nhân viên OSS khác, Thiếu tá Herbert Bluechel, đã đến thăm Coolidge tại bệnh viện và quay trở lại sân bay vào đầu giờ chiều. Được thông báo rằng chuyến bay vẫn chưa đến và có lẽ sẽ còn chậm hơn nữa, Dewey và Bluechel quyết định quay trở lại sở chỉ huy của OSS, được đặt cạnh sân bay Tân Sơn Nhất và cách đó mười phút đi xe, để dùng bữa trưa.[57][60][61]

Khi còn cách toà nhà của OSS gần 500 mét, Dewey và Bluechel đến gần một rào chắn quen thuộc gồm hai khúc gỗ đặt ngang qua đường để xe cộ đến gần phải đi chậm lại và từ từ ngoặt theo hình chữ S. Vì vật chướng ngại không hoàn toàn chặn hết đường đi, Dewey giảm tốc độ và lái ngoặt qua chướng ngại vật, giống như đã làm vào sáng hôm đó. Đúng lúc ấy, Dewey đi qua một toán du kích Việt Minh. Vẫn còn để bụng vụ việc của Đại úy Coolidge, ông đã mắng họ bằng tiếng Pháp. Quân du kích tưởng Dewey là người Pháp nên đã nổ súng vào Dewey ở khoảng cách chưa đầy ba mét. Dewey trúng đạn vào đầu chết ngay tại chỗ và chiếc xe Jeep lật ngược sang bên phải, do đó bảo vệ được Bluechel đang ngồi ghế bên cạnh. Bluechel đẩy xác Dewey và thoát ra ngoài và lấy súng bắn trả, nhưng phát hiện khẩu súng trường bị kẹt đạn nên ông phải sử dụng đến súng lục tự động. Do những người lính Việt Minh không cố tấn công Bluechel, ông bắt đầu chạy về phía sở chỉ huy của OSS, thỉnh thoảng quay lại để bắn những người Việt đang đuổi theo. Mặc dù bị bắn vài lần nhưng ông không bị trúng đạn. Những người Việt sau đó tấn công sở chỉ huy của OSS. Cuộc đấu súng kéo dài ba tiếng và kết thúc trước khi một trung đội lính Nhật cùng Đại úy OSS Frank White kịp đến để bảo vệ tòa nhà. Khi Đại úy White ra đến hiện trường, chiếc xe Jeep và thi thể của Dewey đã biến mất. Dù đã huy động người tìm kiếm từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 15 tháng 10, họ chỉ tìm thấy đai đeo bụng, bao súng lục, và bi đông nước của Dewey. Cuộc điều tra của Đồng Minh ở Sài Gòn không tìm ra được những manh mối hiệu quả, chỉ kết luận chung rằng "động cơ thực sự đứng đằng sau vụ giết người có thể là bất cứ người nào có mối bất bình đối với Trung tá Dewey hoặc nước Mỹ."[62][63][64][65]

Khi biết tin về vụ việc, gia đình Dewey trực tiếp bỏ hết công sức để tìm cho ra xác Dewey và đưa về Mỹ chôn cất. Charles Dewey Jr., anh trai của Peter, đến Sài Gòn để trợ giúp quá trình tìm kiếm. Mặc dù không có nỗ lực nào mang lại kết quả, gia đình Dewey rất cảm động bởi lá thư họ nhận được từ Việt Minh ngay sau khi Charles Jr. trở về Illinois. Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch bày tỏ thái độ nuối tiếc khi không được gặp Charles Jr. trong khi anh đang ở Sài Gòn để chia buồn với gia đình và ca ngợi Peter Dewey. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tức tốc đến văn phòng của Chuẩn tướng Philip Gallagher tại Hà Nội để bày tỏ sự thuơng tiếc. Sau đó Hồ Chí Minh đã viết thư chia buồn tới Tổng thống Harry Truman, và hứa sẽ tìm ra thủ phạm để trừng trị thích đáng, mặc dù ông nói thêm, "không thể điều tra kỹ vấn đề ngay lúc này. Sài Gòn vẫn đang trong tay quân đội Anh - Pháp."[63][66]

Chiến tranh Đông Dương bùng nổ

Chính phủ lâm thời của Cộng hòa Pháp muốn khôi phục lãnh thổ Đông Dương với cơ chế tự trị. Ngày 9 tháng 10 năm 1946, Thống chế Pháp Philippe Leclerc đến Sài Gòn, theo ông là lực lượng viễn chinh gồm 40.000 quân Pháp để chiếm giữ miền Nam Việt Nam và Campuchia. Từ cuối tháng 10, quân Pháp bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch phá vây, mở rộng đánh chiếm ra vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Đầu tháng 11 năm 1946, quân Pháp chiếm trụ sở hải quan tại cảng Hải Phòng và chiến tranh lan ra đến miền Bắc Việt Nam. Các cơ quan của chính phủ Việt Nam bí mật chuyển dần về các nơi vùng rừng núi để lập căn cứ bí mật. Ngày 17 tháng 12, quân Pháp với xe thiết giáp yểm trợ tấn công vào Hà Nội. Tối ngày 19 tháng 12 năm 1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng trên báo Cứu quốc và các báo Hà Nội, với lời thề quyết tử: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!", đánh dấu sự bắt đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đội_Con_Nai_(OSS) http://sknc.qdnd.vn/ho-so-tu-lieu/biet-doi-con-nai... https://www.amazon.com/Operation-Embankment-OSS-Co... https://www.historynet.com/ho-giap-and-oss-agent-h... https://www.historynet.com/how-american-operatives... https://www.cia.gov/readingroom/docs/CIA-RDP90-012... https://www.cia.gov/static/a0c34085dfe487b73cc90c8... https://www.nps.gov/articles/oss-in-action-the-pac... https://www.quansuvn.net/index.php?topic=2619.0 https://archive.org/details/barefeetironwill0000zu... https://archive.org/details/osssecrethistory0000sm...